MỤC LỤC BÀI VIẾT
MÔI KHÔ LÀ GÌ?
Son dưỡng môi là cứu cánh cho những người bị môi khô và nứt nẻ. Nó có khả năng cấp ẩm, khóa ẩm, nuôi dưỡng và bảo vệ da môi. Đôi môi là điểm nhấn trên khuôn mặt, thể hiện thần thái và sự hấp dẫn ở mỗi người. Một đôi môi mềm mại, mịn màng là nền tảng để những lớp son màu trang điểm đôi môi trở nên xinh đẹp và quyến rũ. Tuy nhiên, không phải lúc nào đôi môi cũng xinh đẹp như chúng ta mong muốn. Thực tế rằng, hầu hết mọi người đều gặp tình trạng môi khô và thô ráp, bao gồm ở trẻ em và người lớn, kể cả nam và nuổi, ở bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Môi khô là tình trạng da môi bị mất nước từ nhẹ đến trầm trọng dẫn đến bề mặt môi trở nên thô ráp, nứt nẻ, và bong tróc. Những vết nứt trên da môi nếu không được vệ sinh phù hợp, có thể dẫn đến nhiễm trùng, làm cho môi bị sưng tấy, đau nhức. Vì vậy, môi khô ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ, sinh hoạt và giao tiếp của mọi người. Tình trạng môi khô là do cấu tạo da môi, cũng như do các yếu tố bên trong hoặc/và các yếu tố bên ngoài.

Môi có chức năng cảm nhận nhiệt độ của thức ăn và đồ uống khi chúng ta sử dụng nên da môi rất mỏng. Da môi mỏng cũng giúp hình dạng khoang miệng thay đổi linh hoạt, nhờ đó việc phát âm trở nên dễ dàng. Tuy nhiên, da mỏng cũng đồng nghĩa với khả năng giữ ẩm kém. Mặt khác, da môi không có tuyến mồ hôi hay bã nhờn nên không có khả năng tự cấp ẩm và dưỡng ẩm. Vì vậy, môi rất dễ bị mất nước và trở nên khô nhanh hơn da ở các vị trí khác trên cơ thể.
Các yếu tố bên ngoài cũng góp phần làm cho tình trạng môi khô trở nên trầm trọng hơn như thời tiết hanh khô, hoặc khi bạn thường xuyên ở trong không gian có sử dụng điều hòa nhiệt độ. Ánh nắng mặt trời vừa gây tác động nhiệt, vừa khiến tế bào môi bị lão hóa nhanh cũng là thủ phạm gây ra tình trạng môi khô. Các yếu tố khác như gió hay không khí ô nhiễm cũng khiến môi bị mất nước nhanh chóng và tế bào môi chết gia tăng. Vì vậy, những người thường xuyên di chuyển ngoài trời, nếu không sử dụng khẩu trang hoặc khăn che miệng sẽ bị khô môi.
Môi khô còn phản ánh chế độ ăn uống, nghỉ ngơi của bạn chưa hợp lý. Cơ thể thiếu nước do uống không đủ nước, chế độ ăn ít ray xanh, lạm dụng đồ uống có cồn, sử dụng nhiều café hay hút thuốc cũng sẽ dẫn đến môi khô. Hóa chất độc hại có trong một số sản phẩm son môi kém chất lượng cũng là thủ phạm gây ra tình trạng môi khô. Những chất này có thể gây ra tình trạng da môi bị nhiễm độc, quá trình lão hóa tế bào da môi diễn ra nhanh chóng, tức sẽ có nhiều da môi chết hơn. Cuối cùng, sự tích tụ của tế bào chết ở môi nhiều sẽ khiến đôi môi khô và thô ráp.
Một nguyên nhân khác khiến môi đã khô lại càng khô, đó là thói quen liếm môi. Nhiều người nghĩ rằng liếm môi giúp khắc phục môi khô. Trên thực tế, ngay sau khi liếm môi, nước bọt trên môi bốc hơi rất nhanh. Trong nước bọt có chất Amylase-một loại men tinh bột, chất này khi tiếp xúc với không khí sẽ làm cho môi bạn bị khô hơn, da môi co lại và khô ráp hơn. Ngoài ra, một số tình trạng bệnh lý như nấm hoặc nhiễm trùng da, viêm da cơ địa, dị ứng thời tiết hay sử dụng một số loại thuốc điều trị huyết áp, tiểu đường cũng gây ra tình trạng môi khô.
Môi khô và nứt nẻ khiến chúng ta thiếu tự tin trong giao tiếp và gây ra rất nhiều khó khăn trong việc ăn uống và phát âm. Môi khô thường thô ráp, nứt nẻ, thậm chí là bong tróc, chảy máu. Những vết nứt trên da môi nếu không được vệ sinh phù hợp, có thể dẫn đến nhiễm trùng, làm cho môi bị sưng tấy, đau nhức.
CÁCH NGĂN NGỪA VÀ KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG KHÔ MÔI

Ai cũng muốn có một đôi môi căng mọng, mềm mại đầy quyến rũ. Một đôi môi đẹp phải là một đôi môi khỏe mạnh. Cũng như da ở các vị trí khác trên khuôn mặt, da môi chỉ khỏe đẹp khi được chăm sóc và bảo vệ đúng cách. Việc đầu tiên và đơn giản nhất mà bạn có thể làm đó là ngừng việc liếm môi. Tiếp theo, bạn hãy sử dụng khẩu trang, khăn che miệng để che chắn bảo vệ da môi tránh sự tác động trực tiếp của tia UV từ mặt trời, gió và bụi mịn từ không khi ô nhiễm. Uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây và hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá cũng mang lại lợi ích lớn cho đôi môi khỏe đẹp. Thường xuyên kiểm tra, sàng lọc các sản phẩm son môi, son dưỡng môi mà bạn đang sử dụng. Thẳng tay loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng và/hoặc quá hạn sử dụng. Chỉ nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc môi có thành phần tự nhiên, hữu cơ.
Nhiều người cho rằng không cần phải tẩy tế bào chết cho môi. Thực tế, da môi cũng như bất kỳ da ở khu vực khác trên cơ thể, quá trình hình thành da chết vẫn diễn ra liên tục hàng ngày. Chỉ 1-2 ngày không tẩy tế bào da chết ở môi là trên bề mặt đôi môi của bạn đã tích tụ một lớp tế bào chết đáng kể. Sự tích tụ của tế bào chết ở môi gây ra tình trạng môi thâm, xỉn màu, thô ráp và khô nẻ. Vì vậy, việc tẩy tế bào môi chết thường xuyên cũng là cách giúp ngăn ngừa tình trạng môi khô. Mặt khác, qúa trình tẩy da môi chết cũng giúp lưu thông máu dưới da được diễn ra dễ dàng, thúc đẩy quá trình hình thành và tái tạo tế bào da môi mới. Nhờ đó, đôi môi của bạn luôn duy trì được vẻ trẻ trung, tràn đẩy sức sống, mềm mại và mịn màng( Để tìm hiểu về cách tẩy tế bào chết 100% tự nhiên, bạn hãy BẤM VÀO ĐÂY)
Ngay cả khi bạn đã nỗ lực rất nhiều để bảo vệ đôi môi, thì tình trạng khô môi vẫn có thể tiếp diễn, thậm chí trầm trọng hơn ở một số người. Đó là do quá trình lão hóa tự nhiên của da môi, nó xảy ra cùng với quá trình lão hóa của cơ thể khi tuổi tác chúng ta tăng lên. Vì vậy, để có được làn môi xinh đẹp, trẻ trung và mềm mượt, ngoài việc cấp ẩm, dưỡng ẩm cho da môi, bạn cũng cần phải nuôi dưỡng môi bằng những dưỡng chất tốt cho da môi. Cả son dưỡng môi chứa thành phần thiên nhiên và son dưỡng môi chứa thành phần từ dầu mỏ đều có khả năng làm mềm và dưỡng ẩm. Tuy nhiên, son dưỡng môi hữu cơ thiên nhiên thường an toàn, thân thiện với da môi hơn, và chỉ loại son dưỡng môi này mới chứa các dưỡng chất thiên nhiên cần thiết cho một đôi khỏe đẹp và mịn màng.
GIỚI THIỆU VỀ SON DƯỠNG MÔI BEE CHAMOMILE
Các sản phẩm son dưỡng môi hữu cơ thường được làm từ các thành phần 100% thiên nhiên như dầu dừa, dầu hạnh nhân, dầu hạt nho, bơ ca cao, sáp ong, mật ong, Vitamin E, chiết xuất và tinh dầu thảo dược. Mật ong, gel nha đam, rỉ mật giúp cấp ẩm sâu cho da môi. Trong khi đó, sáp ong, dầu dừa, bơ ca cao giúp khóa ẩm và bảo vệ da môi trước các tác nhân bất lợi từ môi trường bên ngoài như tia UV, nắng, gió và bụi mịn từ không khí ô nhiễm. Bạn cũng có thể biến thỏi son dưỡng môi tự làm của mình thành một thỏi son dưỡng môi chống nắng bằng cách thêm thành phần Kẽm Oxide-ZnO và Titanium Oxide-TiO2. Không chỉ vậy, những công thức làm son dưỡng môi có màu mà Padmacare giới thiệu sẽ giúp bạn có được những sản phẩm chăm sóc môi all in one-nuôi dưỡng, dưỡng ẩm và trang điểm đôi môi trong cùng một sản phẩm( Để tham khảo thêm các công thức làm son dưỡng môi khác, bạn hãy BẤM VÀO ĐÂY).
Trong công thức Son dưỡng môi Bee chamomile này, chúng ta sử dụng 100% các nguyên liệu từ thiên nhiên, bao gồm dầu dừa, sáp ong, bơ ca cao, tinh dầu hoa cúc Chamomile và vitamin E. Các thành phần này khi kết hợp với nhau sẽ có tác dụng cấp ẩm và khóa ẩm, giúp mang lại sự mềm mại và căng mọng cho đôi môi của bạn. Mặt khác, các nguyên liệu thiên nhiên này cũng chứa rất nhiều dưỡng chất, vitamin và chất chống lão hóa giúp nuôi dưỡng và bảo vệ da môi luôn hồng hào và căng mịn.
Dầu dừa chứa tới 90% các axit béo bão hòa, giúp bảo vệ da da môi trước các yếu tố tác hại từ môi trường như tia UV hoặc vi khuẩn, nấm mốc tác động lên da môi. Không những thế, khi được sử dụng trên môi, dầu dừa tạo thành lớp phủ bề mặt, ngăn ngừa sự mất nước, giúp giữ ẩm cho lớp biểu bì của da môi. Dầu dừa khá nhẹ, giàu vitamin E, các axit amin thiết yếu, axit lauric và caprylicnneen nên khi được da hấp thụ, nó cung cấp dưỡng chất nuôi dưỡng da môi khỏe đẹp, hồng hào.
Sáp ong được biết đến là một chất humectant-có khả năng hút và giữ độ ẩm từ môi trường xung quanh. Khi sử dụng sáp ong trên da môi, nó có tác dụng dưỡng ẩm sâu và khóa ẩm cho da môi. Vì vậy, sáp ong giúp ngăn ngừa khô môi cực kỳ hiệu quả, duy trì làn môi mềm mại và khỏe mạnh. Các este có trong sáp ong còn có tác dụng ngăn chặn sự tác hại của tia UV từ ánh nắng mặt trời, giúp chống lại các yếu tố gây lão hóa da môi. Đặc biệt, sáp ong còn có khả năng chống viêm và kháng nấm mạnh mẽ. Bằng cách chống lại vi khuẩn và nấm mốc, sáp ong ngăn chặn tình trạng viêm ngứa ở môi và xung quanh miệng.
Bơ ca cao, còn được gọi là dầu theobroma, là một chất béo màu vàng nhạt, có thể ăn được, chiết xuất từ hạt ca cao. Nó được sử dụng để làm sô cô la, cũng như một số loại thuốc mỡ, đồ dùng vệ sinh và dược phẩm. Bơ ca cao nguyên chất có hương vị ca cao và hương thơm đặc trưng. Thành phần chính của bơ ca cao là các chất béo bão hòa cũng như axit oleic không bão hòa đơn, nằm trong các chất béo trung tính.
Lợi ích đầu tiên và quan trọng nhất của bơ ca cao đối với môi khô là khả năng dưỡng ẩm tuyệt vời của nó. Do hàm lượng axit béo cao, nó thâm nhập sâu vào da môi, ngậm và giữ nước trong nhiều giờ. Tình trạng môi khô, nứt nẻ được khắc phục thần kỳ bởi loại bơ siêu dưỡng ẩm này. Không chỉ dưỡng ẩm, nó cũng là một chất mềm hiệu quả, tạo ra hàng rào bảo vệ và khóa độ ẩm cho đôi môi, là lựa chọn tuyệt vời để điều trị và bảo vệ môi khỏi bị khô nẻ. Với hàm lượng cao các chất chống oxy hóa như axit oleic, axit palmitic và axit stearic, bơ ca cao có khả năng tiêu diệt các gốc tự do và hình thành lớp bảo vệ bề mặt da trước sự tác động tiêu cực của tia UV và bụi mịn độc hại. Nhờ vậy, nó giúp làm chậm quá trình lão hóa da môi, phục hồi sự trẻ trung và căng mọng cho đôi môi của bạn.
Vitamin E là thành phần “thần thánh” đối với da và tóc bởi những lợi ích kỳ diệu của nó. Vì vậy, nó xuất hiện trong tất cả các sản phẩm chăm sóc da như kem dưỡng, lotion chống lão hóa, serum dưỡng ẩm và son dưỡng môi. Khi được sử dụng trên da môi, Vitamin E hoạt động như một chất chống oxy hóa, có nghĩa là nó chống lại các gốc tự do-tác nhân gây ra tình trạng lão hóa da. Vì vậy, vitamin E làm giảm tốc độ hình thành tế bào chết ở môi, giúp khắc phục tình trạng môi thâm, khô và xỉn màu. Mặt khác, vitamin E còn có tác dụng ngăn chặn tia UV xâm nhập vào da môi đồng thời thúc đẩy quá trình tái tạo mô, và giúp chữa lành nhanh chóng những tổn thương trên da môi do ánh nắng mặt trời gây ra. Ngoài ra, Vitamin E còn có tác dụng làm mềm và dưỡng ẩm da môi, giúp duy trì đôi môi mềm mại và mượt mà. Đặc biệt, khi được sử dụng với các thành phần dầu, bơ hữu cơ trong các công thức làm son dưỡng môi, Vitamin E còn đóng vai trò như một chất bảo quản tự nhiên, an toàn, giúp kéo dài thời hạn sử dụng của son dưỡng môi hữu cơ.
Tinh dầu hoa cúc Chamomile-hoa cúc La Mã có mùi thơm ngọt ngào, tươi mát như mùi táo và trái cây. Được coi là một trong những loại tinh dầu cổ xưa và linh hoạt nhất, nó đã được sử dụng để điều trị nhiều loại bệnh nhờ hàm lượng este cao. Tinh dầu hoa cúc Chamomile có tính chất làm dịu, giảm kích ứng, giúp xua tan cảm giác đau nhức khó chịu do môi bị nứt nẻ. Với đặc tính chống viêm và chống oxy hóa, nó có tác dụng thúc đẩy chữa lành các tổn thương trên da môi, ngăn ngừa tình trạng môi khô và xỉn màu. Đã được con người biết đến và sử dụng từ hàng ngàn năm qua, tinh dàu hoa cúc Chamomile được chứng mình là an toàn với tất cả mọi người, kể cả trẻ em và phụ nữ mang thai.( Để tìm hiểu thêm về 55 loại tinh dầu khác, bạn hãy BẤM VÀO ĐÂY)
Son dưỡng môi Bee chamomile không chỉ có khả năng cấp ẩm, dưỡng ẩm, nuôi dưỡng và bảo vệ da môi từ dầu dừa, bơ ca cao, vitamin E và sáp ong, mà nó còn hấp dẫn bởi mùi hương thơm tươi mát, dễ chịu từ tinh dầu hoa cúc Chamomile. Sử dụng son dưỡng môi Bee chamomile sẽ mang lại cho bạn những phút giây thư giãn, dễ chịu. Mùi thơm của son dưỡng môi Bee chamomile mang lại cảm giác an toàn và tự nhiên mà bất kỳ ai cũng đều yêu thích ngay từ lần sử dụng đầu tiên.
CÁCH LÀM SON DƯỠNG MÔI BEE CHAMOMILE
Thông tin làm son dưỡng môi:
- Thời gian chuẩn bị: 15 phút
- Thời gian làm: 15 phút
- Số lượng thành phẩm: 5 lọ son dưỡng môi
- Tác giả: Padmacare
Dụng cụ làm son dưỡng môi:
- Chảo inox
- Bếp từ
- Cân điện tử nhà bếp loại có sai số dưới 0.05 gam
- Cốc thủy tinh chịu nhiệt cỡ vừa, loại có vòi rót
- Thìa silicon loại nhỏ
- Phới inox loại nhỏ
- Vỏ đựng son dưỡng môi: 5 cái
- Pipet nhựa
Công thức làm son dưỡng môi Bee chamomile
- Dầu dừa hữu cơ, nguyên chất: 8.625 gam
- Bơ ca cao hữu cơ: 5 gam
- Sáp ong hữu cơ: 11.25 gam
- Dầu Vitamin E: 0.125 gam
- Tinh dầu hoa cúc Chamomile: 8 giọt
Quy trình làm son dưỡng môi
Bước 1: Đun nóng chảy dầu và sáp.
- Đặt chảo inox lên bếp từ, sau đó đổ khoảng 5 cm nước vào chảo rồi bật bếp để đun sôi nhẹ nước trong chảo. Luôn để bếp ở chế độ nhiệt độ vừa phải trong suốt quá trình đun nước.
- Sử dụng cân điện tử, lần lượt cân đủ số lượng dầu dừa, sáp ong, bơ ca cao rồi cho vào cốc thủy tinh chịu nhiệt. Sau đó, nhẹ nhàng đặt cốc chứa dầu, bơ và sáp vào chảo nước để các nguyên liệu tan dần.
- Trong quá trình làm tan chảy dầu và sáp, sử dụng phới inox khuấy đều để các nguyên liệu phân tán đều vào nhau.
Bước 2: Xếp các vỏ ống đựng son dưỡng môi:
- Vặn và tháo nắp các ống đựng son.
- Xếp các ống đựng son ra bàn sao cho các ống sít vào nhau.
Bước 3: Trộn phụ gia, màu sắc và hương liệu.
- Sau khi đun cách thủy khoảng 10 phút, các loại dầu, bơ và sáp trong cốc thủy tinh sẽ tan chảy hoàn toàn. Tắt bếp và nhấc cốc thủy tinh ra khỏi chảo.
- Dùng dẻ lau sạch nước bám xung quanh cốc thủy tinh.
- Dùng pipet đong và nhỏ đủ lượng dầu Vitamin E và tinh dầu hoa cúc Chamomile theo công thức vào cốc thủy tinh
- Dùng phới inox tiếp tục trộn kỹ để vitamin E và tinh dầu hoa cúc Chamomile phân tán đều trong dầu và sáp. Bạn nên khuấy kỹ cho đến khi hỗn hợp trong cốc thủy tinh đồng nhất, và thường có màu cánh gián nhạt.
Bước 4: Rót và định hình son dưỡng môi.
- Nhẹ nhàng rót hỗn hợp trong cốc thủy tinh thu được từ Bước 3 lần lượt vào từng ống đựng son.
- Bạn có thể sử dụng thìa silicon gạt lên thành của cốc để đảm bảo không còn nguyên liệu sót lại.
- Đặt son dưỡng môi ở nơi mát mẻ trong nhiệt độ phòng trong khoảng 2-3 tiếng, hoặc trong ngăn đông tủ lạnh khoảng 10 phút để son định hình và đạt độ cứng cần thiết.
Bước 5: Bảo quản và sử dụng.
- Sau khi son dưỡng môi đã đạt độ cứng cần thiết, bạn hãy tách các ống son dưỡng môi ra rồi vặn chặt nắp từng thỏi son.
- Bạn có thể tự thiết kế, vẽ, in và dán nhãn lên từng ống son dưỡng môi để trang trí
- Bảo quản các ống son dưỡng môi ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào.
- Bạn nên sử dụng son dưỡng môi này hàng ngày và quanh năm. Nếu ban ngày bạn cần trang điểm bằng son màu, thì trước khi đánh son màu, bạn nên đánh một lớp son dưỡng. Cũng giống như sử dụng mặt nạ dưỡng da qua đêm, sử dụng son dưỡng môi Bee chamomile trước lúc đi ngủ sẽ giúp đôi môi của mềm mại vào buổi sáng hôm sau.
LƯU Ý VÀ MẸO KHI LÀM VÀ SỬ DỤNG SON DƯỠNG MÔI
- Do không chứa các chất bảo quản, vì vậy, bạn chỉ nên sử dụng các ống son dưỡng môi này trong vòng khoảng 1 năm. Nếu bạn nhận thấy son dưỡng môi của mình bắt đầu có mùi như mùi bút chì màu hoặc các loại hạt để lâu ngày, thì đó là dấu hiệu cho thấy dầu và bơ trong son dưỡng đã bị ôi thiu. Bạn nên vứt bỏ những lọ son môi này đi và bắt đầu làm những lọ son môi mới để sử dụng.
- Các loại dầu thực vật, bơ, sáp ong là những thành phần chính tạo nên son dưỡng môi. Vì vậy, bạn hãy lựa chọn những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, 100% nguyên chất và hữu cơ. Tránh sử dụng những sản phẩm kém chất lượng và/ hoặc có pha tạp chất, vì những thành phần này có thể gây kích ứng, thậm chí nhiễm trùng da môi.
- Để tạo hương thơm cho son dưỡng môi handmade, bạn nên sử dụng các loại tinh dầu thiên nhiên, từ những nhà cung cấp có uy tín. Không sử dụng các loại tinh dầu giá rẻ kém chất lượng, các loại hương thơm tổng hợp khi làm son dưỡng môi.
Son dưỡng môi Bee chamomile là lựa chọn tốt nhất để bạn có đôi môi mịn màng và căng mọng. Một đôi môi xinh xắn sẽ giúp bạn thêm tự tin và yêu quý bản thân mình hơn. Son dưỡng môi này cũng tuyệt đối an toàn với trẻ em và phụ nữ mang thai. Vì vậy, bạn nên thường xuyên sử dụng son dưỡng môi Cocoa để chăm sóc đôi môi của mình. Bạn có thể mua son dưỡng môi này từ nhà cung cấp uy tín, hoặc tự làm son dưỡng môi tại nhà theo hướng dẫn trên. Bằng cách thay đổi một vài thành phần trong công thức là bạn đã tạo ra một loại son dưỡng môi mới với những lợi ích tuyệt vời cho đôi môi của bạn.
Padmacare vui lòng nhận được và giải đáp mọi câu hỏi của bạn về công thức, cách làm và sử dụng son dưỡng môi. Hãy để lại câu hỏi bằng cách Comment phía dưới bài viết, hoặc gửi email về địa chỉ padmacare.com@gmail.com. Các bạn cũng có thể xem các video hướng dẫn cách làm son dưỡng môi tại nhà từ kênh Youtube: http://youtube.padmacre. Để tham khảo rất nhiều nội dung về chăm sóc sức khỏe và làm đẹp tự nhiên tại nhà, bạn hãy truy cập vào Fanpage của Padmacare Natural Beauty. Đăng ký kênh hoặc like page để nhận được thông báo các nội dung mới về chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp từ thiên nhiên bạn nhé!