ĐẶC ĐIỂM CỦA NẾN THƠM KHỬ MÙI LEMONGRASS
TÍNH CHẤT, TÁC DỤNG | TRANG TRÍ | HƯƠNG THƠM |
-Nến có trọng lượng 130 gam, thời gian cháy: 35 h -Dùng trang trí phòng ăn, phòng khách, phòng ngủ, sinh nhật, tiệc chiêu đãi…. -Mùi thơm của tinh dầu sả có tác dụng xua đuổi muỗi và côn trùng. -Nến cháy sạch, không phát thải khói và bồ hóng. -Sáp đậu nành, bấc nến và tinh dầu được làm 100% từ tự nhiên, tuyệt đối an toàn với môi trường. | Mô phỏng miếng dưa hấu đẹp mắt. | Hương thơm tươi mát, thông mũi giải cảm từ tinh dầu sả. |
THÔNG TIN LÀM NẾN THƠM KHỬ MÙI LEMONGRASS
![]() | Số sản phẩm: 6 nến |
![]() | Thời gian chuẩn bị 30 phút |
![]() | Thời gian làm nến 1h30 phút |
![]() | Thời gian dưỡng nến: 4 giờ |
![]() | Độ khó: : khó |
NGUYÊN TẮC AN TOÀN KHI LÀM NẾN THƠM KHỬ MÙI LEMONGRASS
- Trong bất kỳ cách làm nến thơm nào, luôn phải chuẩn bị không gian làm nến đảm bảo kín gió, không có sự xâm nhập của trẻ em hoặc thú cưng. Loại bỏ hết vật dụng dễ bắt lửa, cháy nổ trong khu vực làm nến như cồn, xăng dầu, mỹ phẩm, bình gas, giấy vụn…..
- Che phủ mặt bàn, sàn bằng giấy báo cũ hoặc giấy sáp nhằm ngăn những giọt sáp bắn ra hoặc rơi rớt trong quá trình làm nến xuống mặt bàn hoặc sàn nhà.
- Chuẩn bị sẵn tất cả các nguyên liệu, dụng cụ cần thiết sử dụng trong quá trình làm nến, và sắp xếp chúng ở các vị trí dễ quan sát, dễ dàng với lấy khi cần.
- Nếu có thể, bạn nên chuẩn bị sẵn bình chữa cháy và tự trang bị cho mình kỹ năng sử dụng bình chữa cháy và biết cách xử lý các sự cố hỏa hoạn. Bạn cũng có thể sử dụng một nắp vung chụp lớn hoặc một chiếc khăn choàng đã nhúng nước để có thể sử dụng dập tắt những đám cháy nhỏ ngay lập tức.
- Phần lớn những nguy cơ gây mất an toàn khi làm nến đến từ việc người làm nến chưa nắm kỹ quy trình làm nến, cùng với sự nóng vội hoặc thiếu tập trung. Vì vậy, bạn cần phải đọc kỹ công thức, quy trình làm nến và dành thời gian cần thiết để bạn có thể thực hiện từng bước làm nến một cách đẩy đủ và chính xác.
- Nếu bạn chưa bao giờ làm nến, hoặc bạn chưa trải qua khóa học làm nến thủ công thì hãy liên hệ đến tổ chức, hoặc một nghệ nhân làm nến có thể tư vấn, giúp đỡ bạn triển khai làm nến đảm bảo an toàn và thành công.
DỤNG CỤ LÀM NẾN THƠM KHỬ MÙI LEMONGRASS
- Cân điện tử
- Nhiệt kế điện tử
- Ca thủy tinh lớn: 01 cái
- Ca thủy tinh vừa: 01 cái
- Ca thủy tinh nhỏ: 01 cái
- Chảo inox đun nước
- Dao inox
- Thớt
- Giấy nến
- Tạp dề, găng tay, dẻ lau, giấy ăn
- Bếp từ
- Cốc giấy dùng một lần loại 170ml: 4 cái
- Kéo
- Thìa silicon
- Súng bắn keo nến
- Que gỗ: 6 cái
- Sơn thủ công màu đen: 1 tuýp
NGUYÊN LIỆU LÀM NẾN THƠM KHỬ MÙI LEMONGRASS
- Sáp đậu nành loại dùng làm nến votives và nến trụ: 780 gam
- Bấc ECO 10 bện bằng sợi cotton, giấy. Bấc dài 15 cm, gắn sẵn đế giữ bấc: 6 bấc
- Tinh thể màu nhuộm sáp, tan trong dầu: màu đỏ và màu xanh lá cây
- Tinh dầu sả-Lemongrass Essential Oil: 46 gam
QUY TRÌNH LÀM NẾN THƠM KHỬ MÙI LEMONGRASS
Bước 1: Cân và trộn các loại sáp với nhau
- Cân đủ số lượng sáp đậu nành như công thức.
- Đong khoảng 480 gam sáp vào ca thủy tinh lớn, 200 gam vào ca thủy tinh vừa và 100 gam sáp còn lại cho vào ca thủy tinh bé.
Bước 2: Đun nóng chảy và trộn màu xanh cho sáp
Đặt chảo inox lên bếp từ, đặt ca thủy tinh cỡ vừa vào chảo.
- Đổ nước vào nồi inox, bật bếp đun chậm nhỏ lửa để nước dần nóng lên.
- Khi sáp bắt đầu tan chảy, dùng nhiệt kế điện tử kiểm tra nhiệt độ của sáp. Khi nhiệt độ của sáp đạt 75oC, nhấc ca chứa sáp ra bàn.
- Cho 2-3 mảnh tinh thể nhuộm màu xanh vào sáp, rồi dùng thìa silicon trộn để sáp được nhuộm màu đồng đều
MẸO AN TOÀN VỚI SÁP NÓNG CHẢY
- Không bao giờ để sáp nóng chảy mà không giám sát. Bởi khi sáp trở thành chất lỏng, nhiệt độ sẽ tăng rất nhanh. Nếu có việc gấp phải ra bên ngoài, thì nến tắt bếp trước khi rời đi. Sau khi quay lại, mới tiến hành đun nóng sáp lại từ đầu.
- Không bao giờ để các lô sáp đạt nhiệt độ cao hơn nhiệt độ chớp cháy của chúng, khi nó đạt đến điểm chớp cháy trên 148oC sáp sẽ hóa hơi nên rất dễ cháy. Luôn biết điểm chớp cháy của từng loại sáp và sử dụng nhiệt kế để kiểm soát nhiệt độ của sáp nóng chảy.
- Luôn đun nóng chảy sáp bằng phương pháp đun cách thủy. Điều này sẽ giúp phân phối nhiệt đồng đều và ngăn không cho sáp quá nhiệt đến chớp cháy. Không nên sử dụng bếp có ngọn lửa cháy trực tiếp và không ổn định như bếp củi, bếp gas để đun sáp. Bởi sáp bốc hơi khi gặp ngọn lửa trực tiếp sẽ bùng cháy thành ngọn lửa lớn.
- Sáp không sôi nên khó nhận biết nó có đang ở mức nhiệt độ bao nhiêu. Khi đun nóng bằng phương pháp cách thủy, nhiệt độ sáp không đủ để bốc hơi, nhưng vẫn có thể đạt mức trên 100oC, nghĩa là rất nóng. Sáp nóng có thể gây bỏng nghiêm trọng. Vì vậy, phải luôn sử dụng nhiệt kế để kiểm tra nhiệt độ của sáp.
- Nếu xuất hiện đám cháy sáp, cách tốt nhất để dập tắt no là sử dụng một nắp vung úp lên đám cháy. Cũng có thể làm ướt tấm chăn rồi phủ lên đám cháy, hoặc sử dụng bình chữa cháy. Tuyệt đối không được dùng nước để dập lửa từ sáp cháy. Sáp lỏng hoạt động tương tự như dầu, đổ nước vào đám cháy sẽ khiến đám cháy lan rộng và bùng phát nguy hiểm.
Bước 3: Chuẩn bị khuôn
- Trong khi đợi sáp nguội dần, lấy cốc giấy xếp ra bàn
- Dùng súng bắn keo nến phết keo vào mặt dưới đáy tấm đế giữ bấc, rồi dán đế giữ bấc vào chính giữa của từng cốc giấy.
Bước 4: Trộn tinh dầu cho sáp màu xanh
- Để sáp nguội đến 63oC tiến hành cho 12 gam tinh dầu sả vào ca chứa sáp màu xanh.
- Dùng thìa silicon khuấy nhẹ và kỹ. Một số tinh dầu nặng hơn những tinh dầu khác, vì vậy cần phải trộn đều để tinh dầu không bị lắng xuống đáy.
Bước 5: Đổ lớp sáp màu xanh.
- Từ từ đổ sáp màu xanh vào từng cốc với lượng sáp bằng nhau.
- Dùng que giữ để các bấc đứng thẳng và ở chính giữa cốc giấy.
- Đợi vài phút để lớp sáp màu xanh cứng dần.
Bước 6: Làm tan chảy, trộn tinh dầu và đổ lớp sáp màu trắng
- Đặt ca thủy tinh nhỏ chứa sáp lên chảo inox đang đun nước nóng để sáp dần tan ra. Khi sáp tan hết, đặt ca chứa sáp ra bàn
- Cho khoảng 6 gam tinh dầu sả vào sáp, dùng thìa silicon trộn đều
- Lần lượt rót lượng sáp bằng nhau lên trên lớp sáp màu xanh trong các cốc giấy.
Bước 7: Làm tan chảy, trộn tinh dầu và đổ lớp sáp màu đỏ.
- Đặt ca thủy tinh lớn chứa sáp lên chảo inox đang đun nước nóng để sáp dần tan ra. Khi sáp tan hết, đặt ca chứa sáp ra bàn
- Cho 3-4 mảnh tinh thể nhuộm màu đỏ vào sáp, rồi dùng thìa silicon trộn để sáp được nhuộm màu đồng đều
- Cho khoảng 28 gam tinh dầu sả vào sáp, dùng thìa silicon trộn đều
- Lần lượt rót lượng sáp màu đỏ bằng nhau lên trên lớp sáp trắng trong các cốc giấy.
Bước 8: Dưỡng cứng và hoàn thiện sản phẩm
- Để nến cố định ít nhất trong 4 giờ để sáp nến cứng hoàn toàn.
- Dùng kéo cắt bấc, chỉ để lại đoạn bấc dài khoảng 0,8 cm.
- Cắt cốc giấy rồi lột bỏ cốc giấy ra khỏi nến.
- Dùng sơn vẽ màu thủ công, vẽ hình giống hạt dưa hấu lên trên thân nến. Sau đó, tiếp tục dưỡng nến trong khoảng 8 giờ.
- Nếu chưa sử dụng ngay, bạn nên gói nến cẩn thận bằng giấy nến rồi bảo quản.
- Bạn cũng có thể thắp thử một hộp nến để kiểm tra chất lượng và cũng là để tận hưởng thành quả do chính mình làm ra. Sản phẩm nến thơm dưa hấu này là món quà lý tưởng mà bất kỳ ai cũng thích thú khi được bạn dành tặng!
LƯU Ý KHI LÀM VÀ AN TOÀN SỬ DỤNG NẾN THƠM KHỬ MÙI
- Chỉ nên sử dụng loại sáp và các thành phần nguyên liệu khác từ những nhà cung cấp có uy tín. Không sử dụng sáp đậu nành giá rẻ vì chúng có thể đã pha trộn thêm sáp parafin. Tốt nhất sử dụng sáp đậu nành hữu cơ, được sản xuất bền vững và thương mại công bằng-fair trade
- Bấc là yếu tố cực kỳ quan trọng để đảm bảo một ngọn nến cháy đúng cách. Nếu sử dụng sai bấc có thể dẫn đến nến cháy kém do tắc bấc, hoặc nến cháy quá nhanh dẫn đến sáp bị nhỏ giọt ra xung quanh. Chọn mua đúng loại bấc, cỡ bấc dùng cho từng loại nến. Chỉ nên mua bấc của những nhà cung cấp uy tín, đảm bảo bấc được làm từ sợi bông hoặc đay. Bấc rẻ tiền có thể sử dụng lõi bằng chì và sợi tổng hợp, sẽ phát thải khói độc hại khi nến cháy.
- Cùng với sáp và bấc, tinh dầu là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định đến khả năng trị liệu và an toàn sức khỏe của một cây nến thơm. Tinh dầu nguyên chất rất đắt tiền, vì vậy, một số nhà cung cấp tinh dầu có thể pha chế thêm các chất phụ gia và hương liệu tổng hợp nhằm mục đích có giá thành sản xuất rẻ. Sử dụng tinh dầu không nguyên chất có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bạn, bao gồm tình trạng buồn nôn, dị ứng, các bệnh về phổi và hệ thần kinh… Vì vậy, nếu làm nến thơm, bạn chỉ nên mua tinh dầu của những nhà cung cấp uy tín, tuyệt đối không nên sử dụng tinh dầu giá rẻ.
- Khi thắp nến, tuyệt đối những ngọn nến cháy luôn được giám sát. Trường hợp bạn buộc phải dời đi khỏi chỗ mà bạn đã thắp nến, hãy tắt hết những ngọn nến mà bạn đã thắp lên trước đó.
- Nến phải được đặt ở vị trí an toàn và thích hợp khi thắp sáng. Không để nến cháy trong tầm với của trẻ em hoặc thú cưng, không để ngọn nến cháy gần cửa có gió lùa. Tuyệt đối không được để nến đang cháy gần khu vực có nhiều vật dễ cháy như ri đô, hoa khô, giấy báo, bình gas, cồn, mỹ phẩm….
Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, nến đã làm tròn sứ mệnh là nguồn sáng giúp con người có thể sinh hoạt, học tập và làm việc vào ban đêm hoặc ở những nơi thiếu ánh sáng mặt trời. Ngày nay, với sự phổ biến rộng khắp của ánh sáng đèn điện, nến chỉ còn là nguồn sáng dự phòng. Tuy nhiên, ở khía cạnh văn hóa, tôn giáo và sức khỏe, nến vẫn giữ một vai trò quan trọng không gì có thể thay thế được. Ánh sáng của những ngọn nến tượng trưng cho trí tuệ, tâm linh, được sử dụng trong các cơ sở tôn giáo. Nến còn là biểu tượng của hạnh phúc-ngọn nến lung linh sưởi ấm tình cảm gia đình. Những dịp quan trọng như lễ tết, noel, đám cưới, sinh nhật, nến được dùng để trang trí, cũng là vật phẩm buộc phải có trong nghi lễ văn hóa truyền thống của các dân tộc trên thế giới.
Nhiều gia đình vẫn thích sử dụng những cây nến cắm trên những giá nến đẹp mắt dùng để trang trí và sưởi ấm phòng khách, phòng ăn. Những căn biệt thự, spa cao cấp hay khách sạn năm sao, ngoài nội thất sang trọng, tiện nghi đầy đủ, cần được trang bị hương thơm từ những ngọn nến thơm khử mùi, xông hương thơm để không gian trở nên hoàn hảo. Ngày nay, nến đóng vai trò giúp con người cân bằng sức khỏe và tinh thần. Vì vậy, nhu cầu nến không hề giảm sút, mà ngày càng tăng, đặc biệt đối với những loại nến thơm khử mùi có lợi cho sức khỏe và an toàn với môi trường xung quanh.
Làm nến thơm là công việc không quá khó. Bạn có thể trở thành một thợ làm nến giỏi nếu bạn chịu khó nghiên cứu tài liệu và thực hành một cách bài bản. Hoặc bạn có thể tham gia một khóa học về cách làm nến thơm để nhanh chóng tự làm ra một cây nến thơm khử mùi sử dụng trong gia đình mình. Nếu bạn có nhiều kiến thức về hương thơm và kỹ năng làm nến của bạn thuần thục, bạn hoàn toàn có thể khởi nghiệp với nghề làm nến thơm handmade.
Trên website www.padmacare.com, tôi sẽ đồng hành cùng với bạn bằng cách chia sẻ nhiều công thức, mẹo và phương pháp, cách làm nến thơm khử mùi từ sáp ong, sáp đậu nành có chất lượng cao. Tất cả các công thức, cách làm nến thơm đều sử dụng các loại sáp, tinh dầu, bấc, chất tạo màu 100% thiên nhiên, tuyệt đối an toàn với sức khỏe và môi trường. Nến trị liệu, nến thơm thưa giãn rất phong phú về chủng loại và cách làm. Vì vậy, với nhiều công thức làm nến từ Padmacare, bạn dễ dàng tìm thấy được những hướng dẫn cách làm nến thơm phù hợp với điều kiện và sở thích của bạn.
Tôi rất vui lòng nhận được và giải đáp mọi câu hỏi của bạn về cách làm nến thơm khử mùi. Hãy để lại câu hỏi bằng cách Comment phía dưới bài viết, hoặc gửi email về địa chỉ padmacare.com@gmail.com. Tôi sẽ sớm phát hành cuốn sách hướng dẫn chi tiết kỹ thuật, bí quyết cách làm nến thơm cùng nhiều công thức làm nến thơm handmade chất lượng cao. Bạn cũng có thể xem các video hướng dẫn cách làm nến thơm handmade từ kênh Youtube: http://youtube.padmacre. Hoặc tham khảo rất nhiều nội dung về chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp tự nhiên tại nhà ở Fanpage của Padmacare Natural Beauty. Chúng tôi luôn phát hành video hướng dẫn cách làm nến thơm khử mùi tại nhà hàng tuần. Hãy đăng ký kênh để nhận được thông báo về các video hướng dẫn mới. Cảm ơn bạn!